Tài khoản

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P3): Ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning - BLW)

Chọn phương pháp ăn dặm luôn là một vấn đề đau đầu với các bậc cha mẹ. Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Bibabo sẽ giới thiệu với bố mẹ 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay là: Ăn dặm truyền thống (ADTT), Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và Ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) để giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan và cơ bản nhất về các phương pháp này. 

Ăn dặm bé chỉ huy - Baby led weaning (BLW) 

1. Ăn dặm bé chỉ huy là gì? 

Ăn dặm bé chỉ huy (BLW) được dịch từ cụm từ gốc Baby Led Weaning, đây là phương pháp do Thạc sĩ, Tiến sĩ Gill Rapley sáng tạo nên. Các nguyên tắc cơ bản của BLW như sau:

  • Bé được tự ăn hoàn toàn, cha mẹ chỉ có trách nhiệm cung cấp thức ăn và ăn cùng bé. 

  • Bé được ăn thô ngay từ đầu với thức ăn là rau củ quả, được cắt với dạng thanh dài, giúp bé dễ cầm nắm.

  • Chia giai đoạn ăn dặm theo kỹ năng xử lý thức ăn của bé, cụ thể  

    • Giai đoạn 1 - Tập kỹ năng: Thức ăn chính là rau củ quả, được cắt dạng thanh dài, bé học cách cầm thức ăn đưa lên miệng, học cách nhai và nuốt. 
    • Giai đoạn 2 - Phát triển kỹ năng: Gồm 2 giai đoạn nhỏ hơn. Đầu tiên bé sẽ tập bốc nhón, thức ăn được thái dưới dạng hình vuông, sau nhỏ dần như dạng hạt lựu. Sau khi bé thành thạo giai đoạn bốc nhón, thì bé sẽ được làm quen và tập xúc thìa, lúc này thức ăn là hầu như tất cả các loại thực phẩm được chế biến với đủ hình dạng, kết cấu, màu sắc, mùi vị. Bé sẽ tập xúc thìa đối với các loại món ăn loãng như cháo, súp... 
    • Giai đoạn 3 - Hoàn thiện kỹ năng: Giai đoạn này, bé xúc thìa thành thạo và ăn các món giống như người lớn. Bé thậm chí có thể tập dùng đũa. Thông thường, các bé sẽ bước vào giai đoạn hoàn thiện kĩ năng khi được từ 14 tháng trở lên.
  • Các món ăn được tách riêng, một bữa ăn ở giai đoạn phát triển kỹ năng có đầy đủ các nhóm thực phẩm gồm tinh bột - rau củ quả - đạm 

  • Lượng ăn ban đầu rất ít, được tăng dần theo nhu cầu và kỹ năng của bé.

 

2. Ưu - Nhược điểm của phương pháp ăn dặm bé chỉ huy 

- Ưu điểm 

  • Bé được làm quen với từng loại thức ăn riêng nên có cơ hội phân biệt mùi vị thức ăn.

  • Nếu bé bị dị ứng, có thể nhanh chóng xác định được nguyên nhân.

  • Các kỹ năng xử lý thức ăn của bé được phát triển tốt.

  • Kích thích sự phát triển của não bộ của trẻ thông qua việc cầm, sờ, nắm, nếm, thử thức ăn, như một hình thức trò chơi giác quan ngay từ khi bé mới tập ăn.

  • Các món ăn đa dạng nên bé không bị chán nhanh.

  • Bé tự lập trong việc ăn uống và cực kỳ yêu thích giờ ăn.

  • Mẹ không mất nhiều thời gian chuẩn bị thức ăn vì bé có thể ăn các món cùng với gia đình (không nêm mắm, muối, đường).

  • Bố mẹ có thể tận hưởng bữa ăn cùng bé khi ở nhà, đi du lịch và đi nhà hàng.

Nhược điểm

  • Bừa bộn. 

  • Bé có thể ăn được khá ít so với mong muốn của cha mẹ.

  • Khiến cha mẹ sợ hãi con có nguy cơ bị hóc, đặc biệt là lúc cha mẹ chưa hiểu và phân biệt rõ sự khác nhau giữa hóc và ọe khi cho bé ăn dặm BLW.

  • Khó nhận được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt nếu mẹ không phải là người cho con ăn dặm.

3. Bạn nên chọn lựa phương pháp này để cho bé ăn dặm nếu

  • Bạn yêu thích phương pháp này và được quyền quyết định cách cho con ăn dặm.

  • Người thân của bạn ủng hộ hoặc có tư tưởng khá tiến bộ.

  • Bạn có thời gian ăn cùng bé và quan sát, bé ăn.

  • Bạn kiên nhẫn và bình tĩnh.

  • Bé từ chối ăn thức ăn nhuyễn hay được đút.

Dù bạn quyết định cho bé ăn dặm theo phương pháp nào, thì bạn cũng cần phải ghi nhớ rằng mục đích của ăn dặm không phải là để tăng cân mà để bé làm quen với thức ăn, chuẩn bị cho giai đoạn mà sữa không còn cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của bé nữa, đồng thời ăn dặm cũng là giai đoạn luyện tập các kỹ năng và thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, hợp lý. 

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm về hai phương pháp còn lại tại bài viết của Bibabo nhé!

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P1): Ăn dặm truyền thống

Các phương pháp ăn dặm phổ biến (P2): Ăn dặm kiểu Nhật

 

  Thích
  Facebook